Hiến kế thoát nước đô thị hiệu quả bằng giải pháp quy hoạch căn cơ, bền vững

15/05/2024

Vừa qua (ngày 11/5), tại Hội thảo khoa học  về đánh giá hiện trạng, đề xuất quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt của thành phố Đà Nẵng do UBND thành phố tổ chức, các cán bộ khoa học, giảng viên Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã báo cáo các phương án, giải pháp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất Đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


PGS.TS. Tô Thúy Nga-Trường ĐH 

Bách khoa-ĐHĐN báo cáo Đồ án

PGS.TS. Tô Thúy Nga-Khoa Xây dựng Công trình thủy đã báo cáo kết quả nghiên cứu Đồ án, qua đó đề xuất các giải pháp quy hoạch cao độ nền để thoát nước mặt hợp lý, xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng, các tuyến phố chính có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung.

Đồ án tính toán xác định các chỉ tiêu, thông số cơ bản; các lưu vực thoát nước và mạng lưới thoát nước (cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác); vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát nước chính nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết chống ngập ứ cho thành phố Đà Nẵng trước mỗi mùa mưa lụt.


TS. Lê Hùng (ở giữa) trao đổi

báo cáo với lãnh đạo thành phố 

TS. Lê Hùng báo cáo, giải trình các cơ sở thực tiễn và khoa học để từ đó thống nhất quan điểm tính toán bảo đảm tính khoa học và khả thi cho các phương án cần thiết.

Các kết quả nghiên cứu chỉ ra tồn tại, bất cập của hệ thống thoát nước đô thị hiện nay, đánh giá mức độ hiệu quả của các trạm bơm và hồ điều hòa, từ đó đưa ra các giải pháp thoát nước cho các khu vực thường xuyên ngập sâu (khu vực Mẹ Suốt, sân bay, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, Ông Ích Khiêm, Thanh Vinh…).

Khắc phục tình trạng ngập ứ đô thị 

Các nhà khoa học đã đề xuất bổ sung thêm chế độ tự chảy và quy trình của một số trạm bơm giải quyết chống ngập (cuối tuyến Ông Ích Khiêm, Thuận Phước, Trương Chí Cương); đầu tư các trạm đo mực nước tại cửa van và tự động hóa trong vận hành; xây dựng bản đồ ngập lụt hoặc ngập úng đô thị đi kèm với các phương án ứng phó.


Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN làm việc với

Đoàn chuyên gia JICA về Quy hoạch tổng thể

phòng chống thiên tai miền Trung Việt Nam

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đánh giá cao các ý kiến đóng góp của chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý; giao Sở Xây dựng, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, các đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện nội dung và giải trình cụ thể.

Đây là cơ sở để Hội đồng thẩm định của thành phố đánh giá nghiệm thu Đồ án quy hoạch quan trọng nhằm góp phần khắc phục tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố.


Cần quy hoạch căn cơ, bền vững 

khắc phục bất cập từ quá trình đô thị hóa

làm thay đổi lưu vực các sông 

Ngày 14/5, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN cũng đã làm việc với Đoàn chuyên gia JICA thuộc Dự án về hợp tác kỹ thuật để quy hoạch phát triển phục hồi sau lũ lụt, xây dựng Quy hoạch tổng thể về phòng chống thiên tai ở miền Trung Việt Nam.

Theo đại diện JICA, Dự án này dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 03/2024 đến tháng 02/2027 nhằm tăng cường đầu tư phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt.


Phát huy đội ngũ trí thức, huy động nguồn lực,

hợp tác quốc tế tham gia góp phần giải quyết

các vấn đề cấp thiết phục vụ phát triển KT-XH

Việc tham gia tích cực của đội ngũ trí thức Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN cùng với chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn và hỗ trợ nguồn lực từ hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như JICA sẽ góp phần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia giải quyết các vấn đề “quốc kế dân sinh” như việc xây dựng Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp (PMP), cơ chế giải pháp kiểm soát lũ lụt lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn một cách có quy hoạch, căn cơ, bền vững.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Kính mời xem các tin khác: 

Chuyên gia đề xuất giải pháp làm giảm tình trạng ngập tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ

Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN đề xuất các nhóm giải pháp thoát nước nội đô cho thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Tiêu điểm đổi mới sáng tạo: Phóng sự về nghiên cứu, ứng dụng Hệ thống giám sát, chẩn đoán rò rỉ đường ống nước

In
871 Đánh giá bài viết:
5.0