Đại học Đà Nẵng họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ 2018-2023
Sáng ngày 08/11/2019, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã họp dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng cho biết đây là phiên họp thứ 2 trong năm học 2019-2020 của Hội đồng nhằm nghe báo cáo, thảo luận một số định hướng, giải pháp trọng tâm để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHĐN trong thời gian đến.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo
Báo cáo về công tác đào tạo, TS. Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng ban Ban Đào tạo ĐHĐN đã đánh giá kết quả tuyển sinh năm học 2019-2020, theo đó đa số các đơn vị thành viên đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu, tuân thủ đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) ngày càng thu hút nhiều thí sinh. Các hình thức xét tuyển thẳng theo đề án của các trường bước đầu đạt hiệu quả, thu hút thêm nhiều học sinh giỏi đăng ký xét tuyển. Một số ngành đào tạo mới mở (Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN mở 02 ngành đào tạo CLC là Kỹ thuật Môi trường và Kỹ thuật Xây dựng, Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN mở 01 ngành đào tạo CLC là Đại số và Lý thuyết số, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh mở 01 ngành đào tạo đặc thù…) đã thu hút được nhiều thí sinh đăng ký trong khóa tuyển sinh đầu tiên…
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại phiên họp
Báo cáo về công tác KHCN, PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng - Trưởng ban Ban KHCN và Môi trường cho biết, trong năm học 2018-2019, hoạt động KHCN của ĐHĐN đã đạt nhiều kết quả tích cực, số lượng đề tài nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tăng mạnh, hiệu quả hoạt động hợp tác doanh nghiệp được chú trọng và nâng cao, phạm vi hợp tác quốc tế trong hoạt động KHCN ngày càng mở rộng (Triển khai mới chuỗi dự án Eramus, USAID, VIBE Ireland, JICA, FIRST, chủ trì tổ chức 20 hội thảo quốc tế quy mô lớn…). Năm học qua, ĐHĐN đã có 250 bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí WoS và Scopus. Nhờ chủ trương tăng cường ký kết, triển khai hợp tác với các địa phương trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, số đề tài KHCN cấp tỉnh, thành của ĐHĐN đã tăng 03 lần so với năm học trước, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng, phát huy hết tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên của ĐHĐN. Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng khởi sắc, đạt nhiều giải thưởng ấn tượng…
Trưởng các ban Đào tạo, KHCN và Môi trường báo cáo tại phiên họp
Các thành viên của Hội đồng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để chuẩn bị đề án tuyển sinh năm học 2020-2021 của ĐHĐN. GS.TSKH. Bùi Văn Ga đề xuất cần quan tâm chú trọng đào tạo người học có các kỹ năng làm việc thay thế máy móc, lựa chọn một số ngành nghề để đào tạo tầm cao, phân luồng đào tạo theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thiết kế lại chương trình đào tạo thay vì giảng dạy dàn trải các môn học, nên lựa chọn các môn học tạo sự hứng thú để thu hút học sinh như để giảng dạy khởi nghiệp cần đưa vào các ngành lập trình, trí tuệ nhân tạo… GS.TSKH. Bùi Văn Ga cũng đề xuất ĐHĐN có thể liên kết với ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho thí sinh khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
GS.TSKH. Bùi Văn Ga, GS.TS. Trần Văn Nam phát biểu tại phiên họp
Theo GS.TS. Trần Văn Nam, để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa với các trường THPT. Đối với tuyển sinh sau ĐH, cần nghiên cứu hình thức đào tạo đối với sinh viên năm cuối phù hợp với nhu cầu thực tế. Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, bên cạnh chính sách khen thưởng cần đãi ngộ tương xứng và tạo điều kiện để giảng viên làm việc tốt hơn, bố trí không gian cho sinh viên có thể tập trung nghiên cứu khoa học tương tự mô hình của nhiều trường ĐH trên thế giới. GS.TS. Trần Văn Nam đề xuất cần tiếp tục khai thác các mối quan hệ hợp tác quốc tế để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chung và công bố khoa học...
PGS.TS. Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN đề xuất cần có cơ chế tuyển thẳng đối với các sinh viên năm cuối có kết quả học tập khá, giỏi để cải thiện công tác tuyển sinh sau ĐH, thống nhất với chủ trương thành lập Viện KHCN. ĐHĐN nên có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành và thành phố Đà Nẵng để đảm bảo nguồn lực, nghiên cứu hình thành không gian đào tạo, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo…
Hiệu trưởng các trường thành viên phát biểu ý kiến
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN đề xuất giải pháp đẩy mạnh triển khai phương thức đào tạo bằng kép phù hợp với yêu cầu của các trường và người học. PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN đề xuất nên thay đổi cơ chế chính sách để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ĐHĐN nên chuẩn bị đề án tuyển sinh riêng. PGS.TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHĐN cho biết nhu cầu trao đổi sinh viên và tiếp nhận sinh viên quốc tế là rất lớn, do đó cần có cơ chế phối hợp giữa các ban chức năng và các đơn vị thành viên, trong đó Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHĐN đang xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, sẵn sàng xây dựng và triển khai đề án bồi dưỡng năng lực giảng dạy tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên của ĐHĐN…
Kết luận phiên họp, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đồng thời đề nghị các Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và lãnh đạo các ban chức năng liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để có giải pháp hữu hiệu, sớm triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm theo ý kiến thảo luận và thống nhất của Hội đồng.
Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN