Giám đốc Đại học Đà Nẵng tiếp và làm việc với Chuyên gia chip bán dẫn Philip Hoàng

Ngày 25/10/2024, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có buổi tiếp và làm việc với ông Philip Hoàng - Chuyên gia về chip bán dẫn.

Cùng tham dự có PGS.TS. Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐHĐN; Trưởng, Phó ban Ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHĐN; đại diện Ban Giám hiệu các trường ĐH thành viên của ĐHĐN: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật; Trường ĐH Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông Việt - Hàn.

Toàn cảnh buổi làm việc tại ĐHĐN 

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN cho biết, tiếp nối kết quả từng làm việc trực tuyến trước đó giữa hai bên, ĐHĐN hân hạnh làm việc với chuyên gia trong lĩnh vực chip bán dẫn.

Giám đốc ĐHĐN giới thiệu với đối tác một số nét tổng quan, nổi bật về ĐHĐN hiện có 06 trường ĐH thành viên, 01 trường thuộc ĐHĐN và 03 đơn vị đào tạo trực thuộc, trong đó có 03 trường ĐH thành viên đào tạo ngành Vi mạch bán dẫn (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật; Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt - Hàn).

ĐHĐN hiện có khoảng 2.600 cán bộ viên chức, trong đó có hơn 1.600 giảng viên, đa số được đào tạo bài bản ở nước ngoài; tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ gần 50%; quy mô đào tạo khoảng 60.000  sinh viên/học viên và là một trong những trung tâm đào tạo lớn, thuộc top đầu cả nước.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc ĐHĐN phát biểu 

Giám đốc ĐHĐN chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Đà Nẵng và ĐHĐN rất quan tâm phát triển ngành Vi mạch bán dẫn, trong đó trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư Chip bán dẫn. Cả 03 trường ĐH thành viên của ĐHĐN nêu trên đều đã tuyển sinh, đào tạo ngành này từ năm 2024; đồng thời các trường đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn và sinh viên/học viên các ngành gần để đáp ứng nhu cầu trước mắt.

Bên cạnh đó, ĐHĐN tập trung thúc đẩy trao đổi giảng viên, sinh viên, tạo điều kiện, cơ hội cho sinh viên được thực tập, trải nghiệm ở nước ngoài cũng như sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu.

Chuyên gia chip bán dẫn Philip Hoàng phát biểu 

Ông Philip Hoàng - Chuyên gia về chip bán dẫn chia sẻ niềm hân hạnh được làm việc với ĐHĐN để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này; đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với ĐHĐN tập trung vào mảng thiết kế chip. 

Đại diện đối tác cho biết, nhóm chuyên gia sẵn sàng tham gia góp ý nội dung, chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn cũng như liên quan, qua đó giúp sinh viên hội đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết, đáp ứng năng lực đầu ra và yêu cầu của ngành Công nghiệp bán dẫn.

Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Thành Bắc và lãnh đạo Ban ĐT&ĐBCLGD thảo luận

Chuyên gia Philip Hoàng chia sẻ một số kết quả bước đầu triển khai khóa đào tạo ngắn hạn tại Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN là rất tốt, đơn cử có những học viên tốt nghiệp đã được doanh nghiệp uy tín như FPT đánh giá cao, có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên sâu để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Do vậy, thông qua các hoạt động thực tiễn này cũng như trong thời gian sắp đến, hai bên có thể tiếp tục phối hợp tổ chức các khoá bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ học bổng cho sinh viên.

Đánh giá cao năng lực của các trường ĐH thành viên ĐHĐN và nhu cầu thực tế để phát triển lĩnh vực này là rất lớn, chuyên gia Philip Hoàng trao đổi thêm một số vấn đề liên quan như việc hỗ trợ học bổng để khuyến khích, tạo điều kiện cho học viên; thu hút nhân tài quan tâm, theo học ngành chip bán dẫn, nhất là những sinh viên có tiềm năng mà hoàn cảnh còn khó khăn.

Đại diện lãnh đạo các trường thảo luận 

Cùng với đó là vấn đề đầu ra nhằm hỗ trợ để các em có việc làm phù hợp với chuyên môn; được tư vấn hướng nghiệp và học hỏi kinh nghiệm trong quá trình ứng tuyển, phỏng vấn làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín. Chuyên gia cho biết sẽ kết nối thêm với cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ ngày càng có thêm nhiều cơ hội việc làm, tuyển dụng các sinh viên theo học ngành Vi mạch bán dẫn cũng như tốt nghiệp các khóa đào tạo liên quan.

Để thực hiện các định hướng trọng tâm này cần có sự hợp lực, tăng cường từ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng như chính quyền thành phố Đà Nẵng để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế đồng hành đào tạo nhân lực chip bán dẫn, chuyên gia Phillip Hoàng đề xuất. 


Lớp Thiết kế Vật lý vi mạch VLSI tại Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi về nhu cầu thực tế của các trường ĐH thành viên của ĐHĐN, mức độ đáp ứng và kinh nghiệm từ các khóa đào tạo ngắn hạn đã triển khai như tại Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN. Đây sẽ là khởi đầu quan trọng để các bên tiếp tục hoàn thiện, triển khai các chương trình đào tạo tiếp theo; góp ý, đề xuất hoàn thiện nội dung hoàn thiện nội dung đào tạo để lấp đầy một số khoảng trống nếu có nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. 

Trong không khí tin cậy, hiểu biết, hai bên mong muốn tiếp tục hợp tác, tăng cường gắn kết và tranh thủ các nguồn lực để ĐHĐN tiên phong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghiệp bán dẫn đúng với định hướng, chiến lược của Chính phủ và Bộ GDĐT cũng như góp phần trước hết đối với thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận. 


Tổng kết, trao chứng nhận cho các học viên tham gia khóa “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI”

Theo chuyên gia Philip Hoàng, tháng 11 đến, phía đối tác sẽ tiếp tục cùng các đối tác như NIC, FPT, Tổ chức Tresem triển khai khóa đào tạo ngắn hạn về Thiết kế Vi mạch bán dẫn với các công cụ, phương pháp tiên tiến, trong đó tiếp tục sẽ mở lớp Thiết kế Vật lý vi mạch VLSI; đồng thời mở thêm lớp mới về Kiểm thử vi mạch với phần mềm có license.

Mức độ của hai khoá này theo chuyên gia là căn bản và có tính nền tảng quan trọng để học viên sau này tiếp tục phát triển chuyên môn về chip bán dẫn. Đây là các chương trình điển hình có thể nhân rộng trở thành một trong những giải pháp phù hợp với thực tiễn của ĐHĐN và thành phố Đà Nẵng.

Tin từ Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Print
22 Rate this article:
No rating