Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế FSMaRT-2022 về quản lý lũ lụt và bùn cát trên lưu vực sông
Từ ngày 18-20/12/2022, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế FSMaRT-2022 với chủ đề: “Quản lý lũ lụt và bùn cát trên lưu vực sông vì sự phát triển bền vững”.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế FSMaRT-2022
Đây là sự kiện được đồng tổ chức bởi Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN với các cơ quan, viện nghiên cứu: Cơ quan Nghiên cứu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với biến đổi toàn cầu; Viện Nghiên cứu Phòng chống thiên tai Nhật Bản; Cơ quan Quản lý nước Nhật Bản; Cơ quan Quản lý tưới tiêu Philippine; Ban Quản lý tài nguyên nước Quốc gia, Philippine; Cục Quản lý đập và vận hành hồ chứa, Philippine cùng các trường ĐH trong nước, quốc tế: Trường ĐH Kyoto, Nhật Bản; Trường ĐH Isabella, Philippine; Trường ĐH Kỹ thuật, Malaysia; Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Việt Đức và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Việt Nam.
PGS.TS. Đoàn Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN tặng hoa cho các đơn vị đồng tổ chức
Hội thảo FSMaRT-2022 quy tụ hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đến từ các cơ quan, trường ĐH, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp của 8 quốc gia (Nhật Bản, Pháp, Philippine, Malaysia, Việt Nam...), đặc biệt trong đó có hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, diễn giả trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Diễn giả báo cáo tại Phiên toàn thể
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe thảo luận 5 báo cáo khoa học và tham luận của các giáo sư, học giả uy tín trong nước, quốc tế trình bày tại Phiên toàn thể.
Các báo cáo đề cập đến những thách thức đối với ứng phó thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, trong đó nhận diện, đánh giá các tác động của tự nhiên, sự can thiệp của đời sống, sản xuất của con người đến các vấn đề gây ra tình trạng ngập lụt, hạn hán, bồi lắng hồ chứa hay sạt lở đất…
Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN và Trường ĐH Isabela, Philippine ký kết Thỏa thuận hợp tác
Đặc biệt, các đại biểu chia sẻ mối quan tâm, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khoa học và kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia để ứng phó với nguy cơ thiên tai tại lưu vực các sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam); phân tích, đánh giá các nguyên nhân gây ngập lụt tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; đề xuất các ý tưởng, giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn nhằm ứng dụng hiệu quả tri thức, công nghệ mới gắn liền với các chính sách quản lý tài nguyên nước và phòng chống thiên tai.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Để có góc nhìn sát với thực tế về khai thác tài nguyên nước, vận hành các hồ chứa, các đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia đã đi thực tế khảo sát hiện trạng hệ thống các sông Vu Gia, Thu Bồn, hiện trạng sạt lở sông Quảng Huế, biển Cửa Đại… Trên cơ sở kết quả khảo sát này, các cơ quan, tổ chức quốc tế, đặc biệt là phía Nhật Bản đã quyết định tài trợ Hệ thống quan trắc chất lượng nước và bùn cát cho các hồ chứa và Hệ thống camera quan trắc cảnh bảo thiên tai (theo thời gian thực) cho khu vực hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn.
Các đại biểu tham quan Trung tâm điều hành Đập tràn Thủy điện A Vương
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Isabela, Philippine trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên.
Thành công của Hội thảo FSMaRT-2022 lần thứ I mở ra cơ hội kết nối mạng lưới học giả, chuyên gia trong và ngoài nước, khẳng định vai trò, uy tín của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN tiên phong cùng cộng đồng chia sẻ, đóng góp trí tuệ, giải quyết các vấn đề cấp thiết trong thực tiễn các địa phương. Đây cũng là cơ sở để Ban Tổ chức quyết định tiếp tục tổ chức Hội thảo FSMaRT lần thứ II tại Philipines.
Tin từ Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Ảnh: Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN