Thông điệp và Lời chào mừng

Description: http://www.udn.vn/app/webroot/upload/images/File%202.jpg

PGS.TS. NGUYỄN NGỌC VŨ

Giám đốc ĐHĐN

Description: * Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) được thành lập theo Nghị định số 32/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ. Đến nay ĐHĐN đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, kế thừa truyền thống 50 năm đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học (ĐH) thành viên.

Description: * Nằm giữa các di sản văn hoá thế giới như: Danh thắng Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Ma nhai Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), ở trung tâm thành phố Đà Nẵng năng động, phát triển, có vị trí địa chiến lược trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, hướng ra cửa ngõ biển Đông, ĐH Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc thu hút “nhân tài” từ mọi miền của đất nước đến học tập, nghiên cứu.

Description: * ĐHĐN là đại học Vùng trọng điểm Quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành, đa cấp độ quản lý bao gồm 06 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn) và các đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc (Trường Y Dược, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Viện Công nghệ quốc tế DNIIT); 35 trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, 40 nhóm nghiên cứu-giảng dạy (TRT). 

Description: * ĐHĐN đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung ứng cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực: Kỹ thuật-Công nghệ, Kinh tế, Luật, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giáo dục, Ngôn ngữ-Văn hoá, Y-Dược. Cựu sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của ĐHĐN đảm nhận nhiều trọng trách trong các cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực và đất nước.

Description: * ĐHĐN luôn chú trọng xây dựng phát triển tiềm lực đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, coi đây là yếu tố “sống còn”, là động lực để khẳng định uy tín, chất lượng, bảo đảm lợi ích cho người học và các bên liên quan, vì mục tiêu phát triển bền vững. Với nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ và hiệu quả, trong đó có chủ trương cử cán bộ trẻ đào tạo ở nước ngoài, ĐHĐN xây dựng, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học và quản lý.

Đà Nẵng hiện đã có gần 2.600 cán bộ, giảng viên, trong đó có 08 GS, 118 PGS, 781 TSKH/TS, tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ hơn 47,5% (Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng gần 70%, bình quân chung cả nước là 30%).  Nhiều cán bộ, giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng từ các trường đại học danh tiếng nước ngoài. Đây là nguồn lực quan trọng để khẳng định uy tín, học hiệu, tiềm lực và chất lượng đội ngũ của ĐHĐN. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm ĐHĐN đào tạo, tuyển dụng mới thêm từ 60 - 100 TS.

Description: * Theo định hướng ĐH nghiên cứu, để tập trung nâng cao chất lượng, ĐHĐN giữ ổn định quy mô đào tạo hợp lý với gần 55.000 sinh viên chính quy, hơn 2000 học viên cao học, nghiên cứu sinh và gần 1.000 lưu học sinh, thực tập sinh quốc tế đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; bình quân mỗi năm tuyển sinh khoảng gần 15.000 tân sinh viên (hệ ĐH chính quy), thuộc top đầu các ĐH có quy mô đào tạo lớn nhất. 

ĐHĐN có đầy đủ các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo: 152 ngành, chuyên ngành trình độ đại học; 48 ngành trình độ thạc sĩ và 32 ngành trình độ tiến sĩ, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thành phố Đà Nẵng và các địa phương của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, đặc biệt là các ngành mũi nhọn (công nghệ cao, công nghệ nguồn, đem lại nhiều giá trị gia tăng và tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu), sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhờ gắn kết đào tạo và việc làm, nhà trường và doanh nghiệp, chất lượng đào tạo của ĐHĐN không ngừng được nâng cao, tiếp cận chuẩn quốc tế, ĐHĐN luôn là địa chỉ uy tín, tin cậy được thí sinh và Quý phụ huynh tin tưởng, lựa chọn qua mỗi mùa tuyển sinh.

Description: * Chất lượng đào tạo luôn được ĐH Đà Nẵng coi trọng, đặt lên hàng đầu và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong chiến lược, mục tiêu phát triển, thể hiện rõ nét qua kết quả, dấu ấn trong đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục: Là ĐH vùng đầu tiên có 100% các trường thành viên kiểm định, đạt chuẩn chất lượng quốc gia (10/2016, trong đó Trường ĐH Sư phạm là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của cả nước kiểm định, đạt chuẩn quốc gia tháng 4/2016, Trường ĐH Bách khoa là 1 trong 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam tiên phong kiểm định đạt chuẩn quốc tế HCERES năm 2017 và tiếp tục được công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc tế, chu kỳ 2).

Đến nay, 04 trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia (chu kỳ 2), 01 trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia (chu kỳ 1), 01 trường được xếp hạng 4 sao theo Hệ thống UPM. 95 CTĐT đã kiểm định (cả bậc ĐH và Thạc sĩ), đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, nằm trong top đầu các trường ĐH có số lượng CTĐT kiểm định quốc tế nhiều nhất với 53 CTĐT theo các tiêu chuẩn AUN-QA (Đông Nam Á), CTI, ASIIN (Châu Âu).

Description: * Nhờ có tiềm lực đội ngũ và cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của ĐHĐN được chú trọng triển khai, gắn với chuyển giao, ứng dụng và đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng; thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, tỉnh/thành và tương đương. Số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS, Scopus) tăng nhanh, đều qua từng năm. Doanh thu chuyển giao KHCN bình quân hàng năm đạt khoảng 50 tỷ đồng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ của ĐHĐN được vào Hệ thống Trích dẫn Đông Nam Á (ACI) và được nhiều Hội đồng chức danh Giáo sư công nhận, đánh giá từ 0,5 đến 1,25 điểm (trong đó có Chuyên san ICT được NASFOTED đưa vào Danh mục tạp chí uy tín Quốc gia). Bên cạnh tăng cường công bố quốc tế, ĐHĐN chú trọng phát triển các nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đã ký kết, triển khai hợp tác với nhiều địa phương trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, KonTum...); các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín (VIETTEL, THACO, EVN, MICROSOFT, FUJIKIN...). Hợp tác quốc tế là thế mạnh luôn được chú trọng trong tiến trình hội nhập, quốc tế hoá giáo dục đại học. ĐHĐN hiện có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với hơn 200 trường đại học, tổ chức khoa học - giáo dục uy tín trên thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Nga, Hàn Quốc, Singapore...); đăng cai tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo khoa học tầm vóc quốc gia và quốc tế.

Description: * Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, đổi mới quản trị ĐH tiên tiến để phát huy sức mạnh của hệ thống ĐH Vùng đa lĩnh vực; nâng cao vai trò tự chủ ĐH gắn với trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực vì cộng đồng, ĐHĐN luôn được xếp hạng trong top đầu các ĐH Việt Nam như: Top 3 ĐH Việt Nam theo Bảng xếp hạng uniRank của Tổ chức 4icu, Top 8 ĐH Việt Nam theo Bảng xếp hạng Webometrics, nhiều năm được Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) uy tín của Vương quốc Anh xếp hạng top 5 - 6 ĐH Việt Nam, nằm trong top 501-550 ĐH tốt nhất Châu Á.

Description: * Ngày 03/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp “đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó có ĐHĐN trở thành Đại học Quốc gia”.

Ngày 13/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung: "Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thiện Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia".

Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương hướng phát triển các khu chức năng đã nêu: “Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Vinh, Nha Trang trở thành những trung tâm nghiên cứu-đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới”, trong đó Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia “với định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của vùng và của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Ưu tiên bố trí không gian cho các cơ sở giáo dục đại học theo hướng 01 khu đô thị tích hợp nhiều chức năng, trong đó có chức năng đào tạo, nghiên cứu và phát triển đô thị.”

Đây là cơ sở chính trị tạo tiền đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược góp phần để ĐHĐN phấn đấu thực hiện hoá khát vọng lớn phát triển thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng.

Description: * Với sứ mệnh, trọng trách được Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, giao phó đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng Khu Đô thị ĐHĐN (tại Hoà Quý-Điện Ngọc); tham gia tích cực Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam (PHER); thực hiện “Chiến lược Phát triển ĐHĐN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (mời xem tại đây), ĐHĐN nỗ lực phấn đấu hiện thực hoá khát vọng trở thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng, “một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín, ngang tầm khu vực và thế giới”, đóng góp quan trọng vào tiến trình hội nhập, đổi mới giáo dục đại học nước nhà.

Đại học Đà Nẵng “nơi hun đúc trí tuệ và tài năng vì sự phát triển của miền Trung-Tây Nguyên và cả nước”

luôn chào đón Quý vị và các bạn !

In
27379 Đánh giá bài viết:
4.5