Cơ sở vật chất

1. Khuôn viên, nhà xưởng: Các cơ sở của Đại học Đà Nẵng được xây dựng trên 7 khuôn viên tại Đà Nẵng và thành phố Kon Tum với tổng diện tích mặt bằng hiện nay trên 80 ha.

Dự án phát triển Đại học Đà Nẵng đang được khẩn trương triển khai xây dựng tại Khu đô thị Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc với diện tích 300 ha.

Hệ thống các giảng đường được xây dựng hoàn chỉnh và thường xuyên được nâng cấp trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng.

Các trung tâm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm đang từng bước được hiện đại hóa nhờ các chương trình đầu tư trọng điểm, đầu tư chiều sâu và các dự án vốn vay ODA, các chương trình hợp tác quốc tế. Một số phòng thí nghiệm tiêu biểu như  Phòng thí nghiệm Động cơ-Ô tô, Phòng thí nghiệm Cơ Điện Tử, Phòng thí nghiệm Nhiệt, Phòng thí nghiệm Điện-Điện tử, Phòng thí nghiệm nền móng công trình, Phòng thí nghiệm Xây dựng, Phòng thí nghiệm Công nghệ dầu khí, Phòng thí nghiệm Hệ thống điện, Phòng thí nghiệm Môi trường.

Trung tâm Y khoa được bố trí tại trung tâm thành phố Đà Nẵng phục vụ cho việc nghiên cứu, thực hành lâm sàng cho sinh viên ngành Y - Dược.

Đại học Đà Nẵng còn có Trung tâm Thể thao và Khoa Giáo dục Thể chất với cơ sở giảng dạy thể dục-thể thao hiện đại và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của Đại học Đà Nẵng.

2. Trung tâm Thông tin Học liệu và Truyền thông Đại học Đà Nẵng (CLIRC) là một trong những mô hình thư viện điện tử tiên tiến, hiện đại đầu tiên ở Việt Nam (thành lập năm 1999). Hiện CLIRC được trang bị hệ thống phần mềm Aleph/ Primo, kết nối cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến, chia sẻ khai thác giữa 11 đơn vị thành viên, trực thuộc Đại học Đà Nẵng. CLIRC cũng phối hợp với các cơ sở đào tạo cập nhật phát triển cơ sở dữ liệu nội sinh dạng tài liệu số các luận án, luận văn, báo cáo đề tài KHCN các cấp của giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Đại học Đà Nẵng, lưu trữ và truy cập trên hệ thống Dspace. Ngoài ra còn có bộ sưu tập chuyên khảo có giá trị trên nhiều lĩnh vực như Bộ sưu tập tài nguyên văn hóa Hoa Kỳ, tài liệu văn hóa Chăm-pa, các cơ sở dữ liệu nguồn mở, miễn phí phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng đều có hệ thống trung tâm học liệu, thư viện các chuyên ngành, điển hình như Trung tâm Học liệu và Truyền thông Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (diện tích sử dụng 4000m2, gần 500 máy tính nối mạng, đường truyền tốc độ cao, phục vụ trực tiếp cùng lúc hơn 500 bạn đọc tại chỗ) đáp ứng nhu cầu của cán bộ, giảng viên, sinh viên cũng như các đối tượng người dùng tin khác.

3. Ký túc xá: Hệ thống ký túc xá của Đại học Đà Nẵng hiện nay gồm 12 tòa nhà năm tầng, 2 nhà bốn tầng và 3 nhà hai tầng, khang trang và tiện nghi, phần lớn có khu vệ sinh khép kín, có khả năng phục vụ chỗ ăn ở cho hơn 9.000 sinh viên.

Tại các khu ký túc xá đều có bố trí các phòng tự học, phòng máy tính, câu lạc bộ, phòng tập, sân tập thể dục thể thao, nhà ăn, quầy giải khát... đáp ứng nhu cầu tự học, sinh hoạt, ăn uống và giải trí của sinh viên.

4. Hạ tầng công nghệ thông tin: Toàn bộ các đơn vị thành viên thuộc  Đại học Đà Nẵng được nối mạng cáp quang với đường truyền internet tốc độ 20Mb. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, hiện đại cho phép Đại học Đà Nẵng tổ chức các hội nghị, hội thảo qua mạng, đào tạo từ xa qua mạng. Đại học Đà Nẵng đảm trách đầu cầu Miền Trung của các hội nghị ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, nhờ hệ thống công nghệ thông tin hoàn chỉnh, việc tổ chức đào tạo tín chỉ, đào tạo trực tuyến tại Đại học Đà Nẵng được tiến hành thuận lợi. Hầu hết các giáo trình, tài liệu học tập của các ngành, chuyên ngành đào tạo đều được đưa lên mạng để sinh viên có thể tham khảo trực tuyến.

Khuôn viên của các đơn vị thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng đều có mạng wireless để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và sinh viên truy cập thông tin. Hệ thống Live@edu của Microsoft đã được triển khai trong toàn Đại học Đà Nẵng tạo điều kiện phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và quản lý.

In
11187 Đánh giá bài viết:
4.2